Bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại TP.HCM: Coi trọng hơn nữa sự chủ động chủ thể di sản
VHO- Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống trên địa bàn TP.HCM” do Sở VHTT TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, nhiều ý kiến đã phân tích và gợi mở nhiều giải pháp đưa công tác quản lý nhà nước về lễ hội đi vào chiều sâu.
Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, TP.HCM, một trong ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo thống kê năm 2023, TP.HCM có 143 lễ hội cấp huyện, xã, trong đó có 134 lễ hội truyền thống, 8 lễ hội văn hóa và 1 lễ hội ngành nghề. Các lễ hội chủ yếu được tổ chức tại các di tích lịch sử, văn hóa, các cơ sở tín ngưỡng dân gian.
Có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội
Đa số các hoạt động lễ hội trên địa bàn TP do chính quyền địa phương các cấp kết hợp cùng các Ban quản lý, Ban trị sự đứng ra tổ chức trên tinh thần an toàn, văn minh, phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội chú trọng bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; lễ hội mang tính cộng đồng; cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, cây xanh đường phố, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự luôn được đảm bảo, không xảy ra những biến tướng.
TS Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ thành phố) cho biết, “qua quan sát cho thấy, lễ hội cộng đồng tại các xã nông thôn mới hiện nay mang tính cấu trúc theo không gian. Tại các xã xa trung tâm đô thị, không gian rộng rãi, việc tổ chức các nghi lễ mang đầy đủ cả hai yếu tố là lễ và hội. Ngoài các nghi lễ mang tính thiêng còn có các trò chơi mang tính hội để thu hút sự tham gia đông đảo của người dân. Tại các xã gần với trung tâm đô thị hoặc các xã đã được đô thị hóa cao, nghi lễ cộng đồng chỉ được chú trọng đến phần thiêng, ít chú trọng đến phần hội, vì không có không gian để tổ chức. Tuy nhiên, yếu tố truyền thống trong việc tổ chức lễ hội tại cộng đồng ở các xã nông thôn mới vẫn còn được bảo lưu”.
Mặc dù vậy, theo nhiều nhà nghiên cứu, TP.HCM vẫn còn hiện tượng lễ hội truyền thống được tổ chức chưa đúng nghi thức cổ truyền, còn có sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội. Có địa phương nghiêng về phần lễ, phần hội ít được chú trọng, ngược lại có nơi chỉ chú trọng phần hội để thu kinh phí mà coi nhẹ phần lễ, làm giảm tính thiêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Các trò chơi dân gian đặc sắc không được tổ chức hoặc có tổ chức nhưng rất ít do không có không gian, thay vào đó có nơi còn diễn ra các hoạt động mang tính thương mại… Theo TS Lê Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), việc tổ chức lễ hội chưa kết hợp được với các hoạt động thương mại - du lịch, chưa khai thác được các dịch vụ phục vụ khách tham quan, hoặc có tổ chức nhưng còn đơn giản, không hấp dẫn du khách. Trong lễ hội chưa có những sản phẩm truyền thống mang tính đặc trưng, đặc sản. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu lượng khách ngày càng tăng, nhất là những ngày hội chính, gây áp lực nơi tổ chức lễ hội, nguy cơ tiềm ẩn xảy ra không đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài ra, ý thức chấp hành nội quy, quy chế lễ hội, việc gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự, vệ sinh môi trường của một số người tham gia lễ hội chưa cao. Vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện, phản cảm, thiếu văn hóa khi dự lễ hội, hiện tượng vứt rác bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường còn khá phổ biến…
Lễ hội phải gắn liền hoạt động sáng tạo?
TS Phan Anh Tú, Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường đại học KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để phát huy giá trị của lễ hội đối với người dân thành phố, lễ hội cần gắn liền các hoạt động sáng tạo dựa trên cơ sở phát huy vốn tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc. Mục tiêu cao nhất là tạo ra những chương trình lễ hội văn hóa và nghệ thuật hấp dẫn đậm nét bản sắc dân tộc, địa phương và gây ấn tượng đẹp không quên cho người tham dự.
Bên cạnh những nguyên tắc chung phải đảm bảo theo nguyên lý nội dung, mối quan hệ giữa bảo tồn gắn với phát huy thì sáng tạo văn hóa dựa trên các giá trị truyền thống kết hợp tiếp thu có chọn lọc các yếu tố hiện đại là một phương thức mang lại hiệu quả tích cực cho mục tiêu cao nhất nhằm tạo ra bản sắc và phát huy tốt giá trị văn hóa lễ hội TP.HCM trong giai đoạn mới. Theo đó, cần nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn trong hoạt động của lễ hội. Việc tập huấn cho cán bộ quản lý di tích, cán bộ tổ chức lễ hội phải được thường xuyên, liên tục để nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở. “Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội để các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia vào các nghi lễ, hoạt động vui chơi giải trí trong phần hội, tăng cường khai thác những sản phẩm truyền thống mang tính đặc trưng, đặc sản phục vụ du khách làm quà lưu niệm, nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch tham quan. Việc tuyên truyền, giới thiệu về lễ hội, di tích phải được sưu tầm, nghiên cứu một cách khoa học, thận trọng trước khi tuyên truyền để bảo tồn nét đặc trưng của lễ hội, tránh sao chép, bắt chước những lễ hội khác mà địa phương không có”, TS Lê Thị Ngọc Điệp đề nghị.
Ông Trần Thanh Vương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP.HCM) cho rằng, để phát huy hiệu quả, vai trò của cộng đồng trong tổ chức và quản lý lễ hội cần quán triệt quan điểm: Lễ hội là sản phẩm sáng tạo văn hóa chung của cộng đồng, gắn chặt với di tích lịch sử, văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân. Do đó phải do cộng đồng là chủ thể sở hữu, thực hành và hưởng thụ những giá trị tinh thần được gửi gắm trong đó. Nhà nước thực sự chỉ là “người bảo trợ”, hỗ trợ về kinh phí, an ninh, động viên, khích lệ cộng đồng tự bảo tồn các sáng tạo văn hóa của mình. Đối với việc phục dựng một số nghi thức trong lễ hội, việc xây dựng kịch bản là cần thiết cho quá trình tổ chức, điều hành. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng, kịch bản lễ hội truyền thống không phải là “kịch bản” sân khấu hiện đại, kịch bản phục vụ cho việc tổ chức sự kiện văn hóa, mang yếu tố sáng tạo chủ quan của cá nhân. Lễ hội truyền thống không phải, không nên là cuộc hành hội phục vụ một lễ kỷ niệm, mít tinh trong dân chúng, dưới sự điều hành, chỉ đạo của bộ máy “công quyền” mà đó phải là một sản phẩm văn hóa mang tính tổng hợp, được cộng đồng chắt lọc, sáng tạo, bồi đắp, chỉnh sửa, trao truyền trong suốt tiến trình lịch sử…
THÙY TRANG